Chào Mừng Bạn Đến Với Thanh Nguyễn Việt Design

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Giới Thiệu Ngành Thiết kế Đồ họa



Giới Thiệu Ngành Thiết kế Đồ họa


Hiện nay, khái niệm thiết kế Đồ họa đã trở nên rất phổ biến, không đâu là không có sản phẩm đồ họa: logo, poster, hệ thống đồ họa cho văn phòng, brochure, catalogue, báo, tạp chí, CD, các trang web, quảng cáo truyền hình, bao bì…thậm chí trên phương tiện giao thông và ngay trên cơ thể chúng ta như những mẫu thiết kế in trên nhãn hiệu, quần áo, giầy dép,…Không gian của thiết kế Đồ họa đã vượt ra xa rộng hơn trước, đó là những buổi trình diễn, triển lãm, sắp đặt, những sự kiện, phương tiện truyền thông, trên đường phố,…và truyền tải thông điệp tác động đến số đông bằng các phương tiện, chất liệu đa dạng và cả hình thức số hóa.







Theo Wikipedia: “Thiết kế đồ họa là cụm từ để chỉ một chuyên nghành thuộc về mỹ thuật. Trong đó danh từ “đồ hoạ” để chỉ những bản vẽ được hiển thị trên một mặt phẳng (đa chất liệu), và động từ “thiết kế” bao hàm ý nghĩa kiến thiết, sáng tạo. Từ đó có thể hiểu, “thiết kế đồ hoạ” là kiến tạo một hình ảnh, một tác phẩm lên một bề mặt chất liệu nào đó, mang ý nghĩa nghệ thuật nhằm mục đích trang trí, làm đẹp, phục vụ nhu cầu con người…”. Như vậy, nhà thiết kế Đồ họa thường làm việc dựa trên nguyên liệu chính là hình ảnh & chữ, đôi khi có thể lược đến mức tối giản, miễn sao mục đích cuối cùng là đạt được hiệu quả tác động tối đa đến đối tượng sử dụng và thỏa mãn nhu cầu khách hàng.


Nghề thiết kế Đồ họa cần có vốn kiến thức đa dạng để có thể tự tin áp dụng và phối hợp trong mọi đề tài thiết kế, yếu tố tất yếu là phải có năng khiếu mỹ thuật, độ rung cảm của nghệ sỹ, tính sáng tạo cao, đồng thời cần trang bị khả năng thương thuyết, giao tiếp, am hiểu về markerting và thương hiệu để trình bày ý tưởng và nhạy bén khi tìm hiểu nhu cầu, sở thích của khách hàng, thị trường. Nhà thiết kế Đồ họa không phải là một nghệ sỹ độc lập, như một cánh diều, họ sáng tạo trong những giới hạn nhưng phải biết cách bay cao, bay xa và tận dụng những công cụ của công nghệ hiện đại như máy vi tính, máy scan, máy in, các phần mềm như Illustrator, Photoshop, Coreldraw, Flash, Dreamweaver, Pagemaker, QuarkXPress,…Quy trình đi từ ý tưởng cho đến thành phẩm thực tế thường phải trải qua công đoạn khá vất vả: từ hàng chục phác thảo tay rồi đến thể hiện trên máy vi tính, khi khách hàng duyệt mẫu thì tiến hành chế bản, in ấn hay các thao tác khác.


Ở Việt Nam, khái niệm thiết kế Đồ họa đôi khi nhầm lẫn với khái niệm “thợ”, chỉ cần biết sử dụng máy tính, thông thạo vài phần mềm là có thể trở thành “nhà thiết kế”! Nhà thiết kế Đồ họa thực tế phải làm việc khá căng thẳng với đầu óc để suy nghĩ, tìm ra những phương án tốt nhất trong thiết kế và quan trọng hơn là biết dung hòa cái tôi của mình với nhu cầu của khách hàng nhưng không có nghĩa là hòa tan theo những yêu cầu, thị hiếu tầm thường mà luôn hướng đối tác đến cái đẹp và cái có ích – tức là quan tâm nhiều hơn đến tính thẩm mỹ và công năng. Chính vì sản phẩm của ngành Đồ họa mang tính hàng loạt và đại chúng nên có tác dụng giáo dục phần nào trong tâm thức con người.


CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP


Ngày nay, thiết kế đồ hoạ đã trở thành một ngành dịch vụ quan trọng, chia nhỏ thành nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến hầu hết các ngành nghề khác trong xã hội. Do đó, nhà thiết kế Đồ họa có một không gian rộng lớn cho các lựa chọn như: chuyên gia thiết kế hệ thống đồ họa nhận diện thương hiệu (Logo, poster, văn phòng phẩm, hệ thống bảng biển, bao bì, brochure, sách giới thiệu, catalogue, thư quảng cáo, biển quảng cáo, poster, đồ họa gian hàng, quảng cáo báo…), hệ thống đồ họa sự kiện (event), thiết kế ấn phẩm báo-tạp chí, thiết kế sách, thiết kế quảng cáo truyền hình, thiết kế cho công nghiệp âm nhạc (bìa đãi CD, VCD, hệ thống tiếp thị cho sản phẩm âm nhạc), thiết kế mẫu mã bao bì, thiết kế cho môi trường (hệ thống tín hiệu đồ họa – biển chỉ dẫn, bảng tên các phòng ban, biển hiệu, các hộp thông tin), thiết kế tương tác (thiết kế web, giao diện điện thoại di động, màn hình cảm ứng, thiết kế CD-Rom), thiết kế đồ họa động (đồ họa truyền hình), thiết kế minh họa, minh họa truyện tranh, thiết kế game, dựng phim, hoạt hình, kỹ xảo điện ảnh…


Với các lĩnh vực hoạt động như trên, sinh viên ra trường sẽ có khả năng làm việc tại các doanh nghiệp như: Công ty quảng cáo và truyền thông đa phương tiện / Công ty thiết kế / In ấn, Studio ảnh / Thời trang / Các tập đoàn lớn / Công ty thiết kế Game / Thiết kế Web / Tổ chức sự kiện (event) / Đài truyền hình, Xưởng phim hoạt hình / Truyện tranh / Toà soạn báo và tạp chí / Cơ quan chính phủ hay tổ chức phi lợi nhuận…


Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ngành thiết kế Đồ họa của trường ĐH Kiến TrúcTP.HCM đã và đang là nguồn nhân lực chủ chốt ở các công ty Thiết kế quảng cáo hàng đầu trong nước, Cty liên doanh với nước ngoài. Có mức lương thu nhập khá cao ngay sau khi mới ra trường, thậm chí thành công khi còn là sinh viên.


TỐ CHẤT ĐỂ THÀNH CÔNG


- Năng khiếu tạo hình, óc thẩm mỹ, khả năng sáng tạo và niềm đam mê


- Yêu cái đẹp: con người, thiên nhiên và môi trường sống


- Khả năng khá về các môn Khoa học xã hội và nhân văn


KHỐI THI ĐẦU VÀO: Khối H


MÔN THI: Văn – Vẽ trang trí Màu – Vẽ hình hoạ Mỹ thuật (môn năng khiếu xét từ 5 điểm trở lên)




Nguồn: http://mtcn.edu.vn/#




0 nhận xét:

Đăng nhận xét